A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tứ đại doanh nhân (2011)

Phỏng vấn về cuốn sách Tứ đại doanh nhân của Alphabook

  1. Nhận lời “đỡ đầu” cho bộ sách Tứ đại doanh nhân, anh nghĩ bộ sách này sẽ được đón nhận ra sao ở VN?

Đỡ đầu là một từ to tát quá, tôi vẫn tiếp tục sở thích của mình là giới thiệu những quyển sách hay mà mình có may mắn được đọc trong các lĩnh vực khác nhau. Bộ sách về bốn doanh nhân này không chỉ là một cuốn sách chân dung thông thường mà còn là một quyển lược sử kinh tế, thương mại, kỹ thuật, hàng không thế giới trong nửa cuối thế kỷ hai mươi.

  1. Bốn gương mặt được giới thiệu không phải là những gương mặt mới toanh, rải rác những câu chuyện về họ đã có ở các sách báo khác nhau, điều gì sẽ làm cho độc giả quan tâm đến bộ sách này?

Những tình tiết thú vị về đời tư, những giây phút áp lực đến nghẹt thở khi phải đưa ra những quyết định quan trọng trong sự nghiệp, những thành công vang dội nhưng cả những giai đoạn bị thất sủng hay đứng trước nguy cơ phá sản, những ‘‘góc khuất’’ trong sự nghiệp của họ. Đó có thể là một Bill Gates chạy xe như bay mỗi đêm để rồi mỗi sáng nhân viên phải đi nộp phạt, đó có thể là một Buffet đã tự bỏ tiền mua 6 lon Coca với giá 25 xu rồi dạo quanh khu nghỉ mát bán với giá 5 xu mỗi lon để kiếm lời khi ông mới lên 6 tuổi, hay một CEO mạo hiểm mạng sống của mình khi trở thành người đầu tiên trên thế giới vượt Đại Tây Dương trên khinh khí cầu. Tất cả được kể lại bằng một phong cách giản dị pha chút hóm hỉnh.

 

  1. Khi Bill Gates đến VN, người ta đón chào ông như “một người giàu nhất thế giới” thay vì việc ông thực sự là ai, hình như cũng không ít người ngỡ ngàng trước số tiền mà quỹ từ thiện mang tên ông và vợ chi ra ở VN. Cuốn sách về Bill Gates có lý giải được gì về điều này không, thưa anh?

Có thể nói với riêng tôi, Bill Gates – Tham vọng lớn lao và quá trình hình thành đế chế Microsoft là cuốn sách hấp dẫn nhất trong bộ sách bốn tập này bởi các chi tiết trong ấy về con người thực sự của Bill Gates, một thiên tài với sự tập trung và sức làm việc kinh khủng, một người trẻ với những sở thích kì lạ, một bộ óc chiến lược sâu sắc. Ông là hiện thân hoàn hảo của một doanh nhân: thông minh, sắc bén, cương quyết, thạo việc và biết tận hưởng cuộc sống. Khi thành công thì chia sẻ thành quả lao động của mình cho xã hội, đóng góp cho sự phát triển văn hóa nghệ thuật. Một con người đáng ngưỡng mộ không phải chỉ vì thành công của ông mà vì cách ông làm việc, hưởng thụ và cống hiến.

  1. Trong thời buổi lạm phát và khủng hoảng kinh tế này, những cuốn sách kinh doanh, kinh tế học mà người ta vẫn gọi nôm na là dạy làm giàu dường như đang đắt khách hơn bao giờ hết. Nhưng đắt khách với đối tượng độc giả khá chuyên biệt, anh có nghĩ vậy không?

Những cuốn sách này thực ra không phải dạy làm giàu mà trước hết là dạy làm người, sau đó là dạy làm doanh nhân và làm nhiều thứ khác. Xem cái cách mà bốn doanh nhân đại tài này vượt qua khó khăn và đẩy giới hạn năng lực và sức chịu đựng của mình tới mức xa nhất có thể, mỗi người đều rút ra được điều gì đó thú vị cho chính mình.

  1. Anh đã từng nhắc đến nhiều lần khái niệm về bảo trợ văn hóa, bốn cuốn sách này và các nhân vật được kể có chia sẻ với anh suy nghĩ đó không?

Bốn nhân vật trong bộ sách đều có nhiều đóng góp cho xã hội không chỉ cho đất nước mình mà cho cả thế giới. Riêng Bill Gates càng làm cho người ta ngưỡng mộ khi ông bỏ hàng chục triệu đô la mua tác phẩm nghệ thuật cho bộ sưu tập của mình hay hiến tặng cho bảo tàng nghệ thuật Seatle (SAM). Cống hiến của ông nhiều đến mức người ta còn phải nói, nếu cứ đà này chẳng mấy chốc Seatle sẽ trở thành một thánh địa của nghệ thuật thế giới. Điều này một lần nữa lại khẳng định tầm quan trọng của tài trợ, bảo trợ nghệ thuật đích thực của các doanh nhân. Nó sẽ giúp nâng cao tầm vóc văn hóa của một thành phố, một quốc gia, góp phần nâng cao quốc thể, giúp đỡ các nghệ sỹ và giúp nâng cao thẩm mỹ của công chúng.

 

  1. Là dịch giả của Nửa kia của Hitler – tác phẩm được giải dịch thuật của Hội văn học Hà Nội – anh còn đang “ủ mưu” cho một tác phẩm tầm cỡ nào khác nữa không?

Tôi vẫn dịch kịch nhưng hình như thời buổi này kịch chính luận ‘‘ế’’ quá.  Quyển sách tôi đang dịch thì vẫn chưa mua được bản quyền do phải đáp ứng nhiều đòi hỏi từ phía NXB nước ngoài. Tôi vẫn đang ‘‘vồ’’ mấy con chuột nhỏ thôi, còn tác phẩm ‘‘tầm cỡ’’ chắc phải vài năm tới khi thời gian cho phép.

  1. Đã từng làm việc ở Trung tâm văn hóa văn minh Pháp, tham gia vào việc bảo trợ phi lợi nhuận cho các tác phẩm và nghệ sĩ VN. Anh nghĩ gì về việc bảo trợ văn hóa hiện tại, và có gửi gắm một lời kêu gọi nào không?

Tại Hy Lạp cổ đại, những người có thế lực rất vui khi được hoàng đế chỉ định mời một đoàn nghệ thuật đến biểu diễn miễn phí cho dân chúng. Lịch sử phương Tây xưa thì nhắc đến Mæcenas nay thì có Satchi Satchi, phương Đông thì có Mạnh Thường Quân là những người bảo trợ văn hóa nghệ thuật nổi tiếng. Tại Việt Nam, bảo trợ văn hóa đã xuất hiện từ xa xưa với việc những người giàu mời gánh hát về biểu diễn cho cả làng xem. Văn hóa nghệ thuật rất cần sự bảo trợ, hỗ trợ từ phía các doanh nghiệp để có thể phát triển đa dạng và có chất lượng. Chỉ cần doanh nghiệp hiểu rằng sự bảo trợ không phải chỉ là tiền mà còn có thể là địa điểm triển lãm, là hỗ trợ kỹ thuật, là cho mượn máy móc, xe cộ, địa điểm tập, là gỡ rối về thủ tục hành chính, là mua vé ủng hộ đêm diễn,...thì đã giúp cho nghệ sỹ rất nhiều và thông qua đó doanh nghiệp cũng đang làm trách nhiệm xã hội của mình. Tôi cứ ước nếu một doanh nghiệp nào đó bỏ đầu tư vào bóng đá mà để số tiền ấy lập quỹ bảo trợ văn hóa thì chắc chắn tác động của việc đó sẽ rất lớn. Một triển lãm chỉ mất vài chục triệu đồng, một vở diễn vài trăm triệu nào có thấm gì với một chân sút mười tỉ đồng. Một người làm thì sẽ có nhiều người làm, lúc ấy nghệ sỹ, công chúng và chính doanh nghiệp sẽ là những người được hưởng lợi nhiều nhất và văn hóa nghệ thuật đương đại của chúng ta sẽ có nhiều cơ hội được tỏa rạng không chỉ ở trong nước.

Cảm ơn anh.


Tags: 233 , 234
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật